Huế là Cố đô, tất cả tên các di tích và địa danh ở Huế đều được chọn đặt một cách chặt chẽ và trải qua thời gian chúng còn liên quan đến văn hóa lịch sử Huế nữa. Vì thể chúng phải được hiểu đúng và viết đúng để đời sau khỏi lầm lạc.
Nhân đầu năm mới tôi xin nêu một số ví dụ: Phú Văn Lâu hay Phu Văn Lâu? Phú Cam hay Phủ Cam? Cầu Trường Hà hay cầu Trừng Hà? Cầu Bạch Hổ hay cầu Giả Viên?
Chùa Thiên Mụ hay chùa Linh Mụ v.v. Ở Huế những dịa danh nầy rất phổ biến và khó phân biệt đúng sai. Không những người ta sử dụng không thống nhất trong lúc giao tiếp mà còn viết cả vào công văn giấy tờ hộ tịch, ghi chép trong sử sách, ghi chú trên các bản đồ du lịch, bản đồ địa chính, khắc tên dựng bảng trên các, tỉnh lộ, quốc lộ.v.v.
Phu Văn Lâu hay Phú Văn Lâu? Nhiều người cho rằng cái lầu trước Kỳ đài Kinh thành Huế là cái lầu để ngâm thơ phú cho nên có tên gọi là Phú Văn Lâu. Sự thật sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập Kinh sư) ghi rõ là Phu Văn Lâu. Phu là bày ra, đăng ra, ban ra. Phu Văn Lâu là cái lầu niêm yết những chiếu thư của nhà vua, hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Đình, hoàn toàn không dính gì đến chuyện thơ phú cả.
Phủ Cam hay Phú Cam? Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng với tên địa danh gốc. Phủ là nha môn, nhà to, không phải phú là giàu có.
Cầu Trừng Hà hay cầu Trường Hà? Cầu nầy mới xây dựng xong năm 2003, dài 848,16 m, rộng 12 m, gồm 21 nhịp, bắc qua đầm Thủy Tú trên phá Tam Giang, trên con đường nối Quốc Lộ 1A ở làng Phú Bài (huyện Hương Thủy) với Quốc Lộ 49B – quốc lộ chạy dọc theo các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang. Đầu cầu phía tây nằm trên làng Trừng Hà thuộc xã Vinh Phú (huyện Phú Vang), đầu cầu phía đông thuộc xã Vinh Thanh (cũng thuộc huyện Phú Vang). Người ta lấy tên địa phương nơi cây cầu xuất phát đặt tên cho cây cầu nên cầu có tên là Trừng Hà (sông trong) chứ không phải Trường Hà (sông dài) không dính dáng gì đến địa phương Trừng Hà cả. Ngành giao thông dựng bảng với tên cầu là Trường Hà là sai. Đề nghị nên sửa lại với tên cầu Trừng Hà.
Cầu Dã Viên hay cầu Bạch Hổ? Cho đến đầu thế kỷ XX ở Huế có hai cây cầu bắc qua sông Hương. Cầu thứ nhất dành cho người đi bộ và ô-tô, xây dựng tại bến đò xưởng đúc tiền nên có tên là cầu Trường Tiền; cầu thứ hai dành cho xe lửa gối trên cồn Dã Viên nên có tên là cầu sắt Dã Viên. Cách đây mươi năm, với tài trợ của Nhật Bản, cầu sắt Dã Viên được làm mới. Khổng rõ vì sao ngành giao thông lại đổi tên cầu (sắt) Dã Viên thành cầu Bạch Hổ? Trong các hội thảo khoa học về văn hóa, lịch sử Huế, nhiều nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi nầy. Câu hỏi chưa được trả lời, thì hiện nay một chiếc cầu đường bộ hiện đại bắc qua sông Hương song song với cầu sắt Dã Viên cũ sắp hoàn thành lại cũng lấy tên là Bạch Hổ(!). Phải chăng ngành giao thông không biết cầu Dã Viên và cầu Bạch Hổ ở đâu và lịch sử của nó như thế nào? Cầu Bạch Hổ là chiếc cầu bắc qua Hộ Thành hà ỏ về phía tây Kinh Thành Huế (dân gian gọi là sông Kẻ Vạn) trên con đường chạy dọc sông Hương từ Kinh thành Huế ngang qua chùa Thiên Mụ lên khu Văn Thánh. Cầu được đặt tên theo nguyên lý ngũ hành trong Dịch học, phía đông thuộc hành Mộc – màu xanh; còn phía tây thuộc hành Kim – màu trắng. Chiếc cầu ở phía tây Kinh thành được đặt tên Bạch Hổ (Cọp Trắng) để đối xứng với cầu Thanh Long (Rồng Xanh) bắc qua Hộ Thành Hà ở phía đông Kinh thành. Nhưng đến năm Minh Mạng thứ 2 (1820), cầu Bạch Hổ được đổi tên là cầu Lợi Tế. Đúng như sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, xuất bản vào thời Duy Tân cho biết: “Lợi Tế kiều – tên cũ là Bạch Hổ, năm Minh Mạng thứ 2 (1820) đổi tên”[1].
Tuy nhiên, theo tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué ) năm 1933 công bố thiên khảo cứu Kinh thành Huế – địa danh (La Citadelle de Hué – onomastique) của Léopold Cadière, đã viết về cầu Lợi Tế như sau: “Auparavant, c’était le pont Bạch Hổ, ou du Tigre Blanc. Aujourd’hui encore pour le peuple, c’est toujour le pont Bạch Hổ, bien qu’une stèle en pièrre indique le nom donné par Minh Mạng.” (Trước kia, đây là cầu Bạch Hổ, tức Cọp Trắng. Mãi tới nay (1933), mặc dù có tấm bia đá khắc tên cầu Lợi Tế do vua Minh Mạng đặt, dân chúng vẫn gọi là cầu Bạch Hổ”. Tên chiếc cầu bắc qua sông Kẻ Vạn được sử sách ghi tên là Bạch Hổ, dù nó đã bị vua Minh Mạng đổi tên thành cầu Lợi Tế nhưng trong tâm trí người Huế chiếc cầu đó vẫn mang tên Bạch Hổ. Tại sao ngành giao thông lại tùy tiện bỏ cái tên Bạch Hổ, Lợi Tế của chiếc cầu bắc qua sông Kẻ Vạn mà đặt lại là cầu Kim Long? Tại sao lấy cái tên Bạch Hổ lịch sử thay cho cái tên của chiếc cầu gối trên cồn Dã Viên đã có tên Dã Viên ra đời hơn một thế kỷ nay? Tại vì làm giao thông bất cần văn hóa lịch sử hay vì một lý do nào khác nữa? Rất mong được ngành giao thông Thừa Thiên Huế giải thích.
Chùa Thiên Mụ Chùa Thiên Mụ hay chùa Linh Mụ? Tên gọi là chùa Thiên Mụ hay chùa Linh Mụ đều đúng. Sử nhà Nguyễn cho biết: Lên ngôi được một thời gian, vua Tự Đức cảm thấy mình không được may mắn. Nỗi bất hạnh nhất của ông là không có con nối nghiệp. Nhà vua tự cho mình là có tội với Trời. Để sám hối với Trời, nhà vua phải triệt để kiêng tên Thiên (Trời). Vì thế ông đã cho đổi tất cả những tên riêng có chữ Thiên (Trời) ra một chữ khác. Năm 1862, vua Tự Đức chính thức cho đổi tên Thiên Mụ Tự thành Linh Mụ Tự. Nhưng không hiểu lý do nào, đến năm 1879 nhà vua lại cho phục hồi tên cũ (Thiên Mụ). Tuy vậy nhà chùa vẫn không dám làm bức hoành khác nên bức hoành ghi ba từ Linh Mụ Tư treo trước chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế mà nhiều sách viết chùa Linh Mụ, nhiều sách khác lại viết chùa Thiên Mụ. Nhưng đa số dân chúng thường dùng tên Thiên Mụ hơn – Thiên Mụ là tên cũ và đã được vua Tự Đức cho sử dụng sau 17 năm (1879-1862) bị đổi thành Linh Mụ. Vài góp ý nhỏ, rất mong được các ngành chức năng quan tâm.
Bài viết của Nguyễn Đắc Xuân